Hệ thống tượng Phật và sơ đồ Tam Bảo trong chùa miền Bắc
Miền Bắc từng được xem là nơi đón nhận Phật giáo sớm nhất và hiện nay vẫn còn lưu giữ được những mô hình thờ cúng cổ nhất. Từ khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, Phật giáo đã du nhập vào nước ta. Với tinh thần tùy duyên mà bất biến, Phật giáo đã hòa nhập vào từng phong tục lãnh thổ và đã hình thành nên sự phong phú, đa dạng trong cách thờ phượng của Phật giáo. Phật giáo phân thân để hòa nhập nhưng nguyên thể không hai. Nói cách khác, phương pháp thờ Phật mọi miền tuy khác nhau nhưng biểu tượng và nghĩa lý không khác. Một ngôi chùa Phật giáo (theo Bắc tông – ở miền Bắc nước ta) phổ biến có 4 khu vực: Chính điện, Tiền đường, Nhà hành lang, Nhà Tăng. Ngoài ra còn có Nhà Tổ và Trai đường.

NỘI DUNG
Chính điện
Trong chính điện thờ Phật, triết lý vô thường của Phật giáo được đặt lên hàng đầu thể hiện qua tam thân Phật là “Pháp thân”, “Báo thân” và “Ứng thân”.
Cách bài trí các tượng Phật ở chính điện theo đúng ý nghĩa ấy, cho nên ở lớp trên cùng là thờ “Pháp thân Phật”, tức là thờ thường trụ Phật ở trong vũ trụ.
Ở lớp thứ hai thờ “Báo thân Phật”, tức là thờ thọ dụng trí tuệ Phật ở cõi Cực Lạc.
Ở lớp thứ ba là thờ “Ứng thân Phật”, tức là thờ Phật đã hoá hiện ra xác thân ở trần thế.
Lớp thứ 4 là lớp tượng “Di lặc Bồ-tát” và hai vị “Phổ Hiền Bồ-tát” và “Văn thù Bồ-tát” đứng hai bên, thường gọi là bộ tượng “Di Đà Tam tôn”.
Lớp thứ năm trở xuống thường có tượng đức Phật tu khổ hạnh ở chân núi Tuyết Sơn, tượng đức Phật nhập Niết bàn và đức Phật đản sanh.

Tượng Tam thế Phật
– Là ba pho tượng ngồi ngang nhau ở nơi cao và sâu nhất trên ban thờ.
– Tên được gọi đầy đủ là Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân.
– Ý nghĩa của Tam Thế là : 3 thời quá khứ, hiện tại thế, vị lai thế. Quá khứ gọi là Trang Nghiêm Đại kiếp, hiện tại gọi là Hiền kiếp, vị lai gọi là Tinh Tú kiếp. Mỗi đại kiếp xấp xỉ bằng 1.344.000.000; Thường Trụ: là tồn tại vĩnh hằng ; Diệu : đẹp đẽ, linh thiêng, nhiệm mầu; Pháp Thân: cái thân chân thực không không biến đổi, không lệ thuộc vào hình- danh- sắc- hương- tướng, không sinh không diệt, tức cái đạo thể, Phật thân.
– Một tên khác là Tam Thế Tam Thiên Phật, có nghĩa là ba nghìn vị Phật nối nhau giáo hóa chúng sinh trong ba đại kiếp. Như vậy Tam Thế Phật không phải là A Di Đà Phật, Thích Ca Mầu Ni Phật và Di Lạc Phật như nhiều người đã lầm tưởng.

Tượng Di-Đà tam tôn
– Đặt ở hàng thứ hai từ trên xuống gồm: Phật A-di-đà (ngồi giữa), Đại Thế Chí (bên trái); Quan Thế Âm (bên phải) ( còn gọi là Quan Thế Âm vô uý, Quan Thế Âm Nam Hải, Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, Phật bà Quan Âm). Đây là 2 vị hộ pháp giúp việc cứu độ cho Phật A-di-đà. Phật A-di-đà là Phật được tạc to nhất trong các nhóm tượng tuỳ theo khuôn khổ từng chùa.
– Cũng được gọi là Di Đà Tiếp Dẫn – có nghĩa là : đón chúng sinh có Phật quả về Tây phương cực lạc, nơi không sinh không diệt, không chìm vào sanh, lão, bệnh, tử.
+ A Di Đà Phật đứng chủ về cõi Niết Bàn ở phía tây, Ngài có 13 đại hồng danh, trong đó nổi lên là Vô Lượng Quang Phật – có nghĩa là ánh sáng Phật pháp từ Ngài tỏa ra muôn nơi không gì che cản nổi, nhằm cứu độ chúng sinh; Vô Lượng Thọ Phật – là vị Phật thọ ngang cùng trời đất để giáo hóa mọi kiếp đời .
+ Quan Thế Âm Bồ Tát- trong thời gian làm thị giả cho A Di Đà Phật thì Ngài đại diện cho đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả.
+ Đại Thế Chí Bồ Tát tượng trưng cho đại hùng, đại lực, đại trí, đại tuệ. Tích truyện về Thế Chí có kể rằng Ngài bước đi làm rung chuyển thế giới Ma Vương , có nghĩa là trí tuệ đi đến đâu thì sự ngu tối và tàn ác bị diệt trừ tới đấy.

Tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh
Tượng ở bên phải, hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con sư tử xanh là tượng “Đức Văn-Thù Bồ-tát”; pho tượng ở bên hữu, hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con voi trắng là tượng “Đức Phổ-Hiền Bồ-tát”, theo thuyết nói trong Hoa Nghiêm kinh.
Thích Ca Tam thánh hay Hoa Nghiêm Tam thánh. Thích Ca Niêm Hoa Tam Thánh
Tượng Thích-ca Mâu-ni
Tượng đặt ở hàng thứ ba, chính giữa. Ở trong chùa Phật giáo ta, tượng Thích-ca Mâu-ni được tạc ở 4 tư thế thuộc 4 giai đoạn khác nhau theo truyền thuyết về cuộc đời và sự nghiệp của Thích-ca Mâu-ni.
Tượng Tuyết Sơn
– Diễn tả Thích-ca Mâu-ni trong thời kỳ tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn (núi rừng Ni-câu-luật) với thân hình gầy gò, chỉ có da bọc xương.
– Bộ mặt và cơ thể của tượng được biểu hiện rõ nỗi dày vò, nổi rõ gân cốt, chân khoanh chân chống, tay hững hờ tì trên gối. Mắt tượng nhìn vào khoảng không. Theo tích truyện thì bằng kiếp tu khổ hạnh, Thích Ca không thành công, Ngài bỏ xuống núi được cô gái chăn bò dâng sữa. Uống xong ngài tắm rửa sạch sẽ thấy tỉnh táo mà ngồi thiền định rồi đạt được đạo chính đẳng chính giác (giác ngộ thành Phật).
– Thị giả bên tượng Tuyết Sơn là tượng của hai đệ tử thân thiết, gồm:
+ Ca Diếp: tổ thứ nhất, người hiểu sâu xa ý nghĩa của đạo lý, có công tập hợp tăng chúng sau định Tam Tạng kinh, trong tạo hình thì mặt Ngài có nhiều nếp nhăn, già, tay của Ngài kết ấn “mật phùng” để giữ cho tâm thanh, lòng không tà loạn.
+ A Nan Đà – vị tổ thứ hai là em họ của Đức Phật Thích Ca, Ngài rất thông minh, nhớ được các lời Phật dạy, rồi ghi lại làm nền tảng cho Kinh, Ngài có khuôn mặt trẻ, tay Ngài thường hay kết ấn “liên hoa”- chắp tay để trước ngực, biểu hiện ý nghĩa như bông sen của Phật Hoa Nghiêm.
Tượng Tuyết Sơn bằng gỗ mít Tượng Tuyết Sơn
Tượng Thích-ca thuyết pháp ( Hoa nghiêm Tam Thánh)
– Được tạc trong tư thế ngồi trên toà sen, mặc áo pháp, một vai để trần (tượng tay cầm bông sen là tượng Thế Tôn niêm hoa…)
– Hai bên tượng Thích-ca thuyết pháp có hai vị thị giả là Văn thù Bồ tát (Trí – giúp về trí tuệ thuộc lý) và Phổ hiền Bồ tát (Bi – giúp về hành nguyện thuộc sự). Có chùa thay hai tượng này bằng hai tượng đệ tử An-na-đa và Ca-diếp (thuộc bộ ba của Tiểu thừa/ Nam tông/ Phật giáo nguyên thủy).- Thông thường tượng Thích Ca được gọi là tượng Hoa Nghiêm, Ngài ngồi trên tòa sen trong thế kiết già, tay trái trong ấn tam muội, tay phải giơ bông sen.Trợ thủ cho Phật là Văn Thù Bồ Tát, nhiều khi được cưỡi con sư tử xanh, ngồi bên trái, tượng trưng cho chân trí tuyệt đối của đạo Phật. Ngài tu tại Ngũ Đài Sơn (Trung Hoa), là hiện thân của trí tuệ. Con sư tử Ngài cưỡi là hiện thân sức mạnh của tầng trên, cho sự trong sáng.Vị Phổ Hiền Bồ Tát thường được cưỡi voi trắng ở bên phải, Ngài là hiện thân cho chân lý tuyệt đối của đạo Phật, con voi Ngài cưỡi cũng biểu hiện về sức mạnh trần gian và sự thanh bạch, trong sáng….
Tượng Niết Bàn
– Diễn tả Thích-ca Mâu-ni đang nhập Niết bàn.
– Thông thường tượng Niết Bàn ở tư thế nằm nghiêng sườn bên phải xuống thoải mái, tay phải co lại chống lên đầu, mắt lim dim.
– Tượng Niết Bàn ít thấy ở các ngôi chùa thờ Phật theo Bắc tông, còn ở các khu chùa thờ Phật theo Nam tông thấy phổ biến.
Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn
Ở lớp thứ ba ấy, có nhiều chùa thờ tượng đức “Thích-ca Mâu-ni” ngồi cầm hoa sen, như khi Ngài thuyết pháp ở núi Linh Thứu; bên tả là tượng “Ca-Diếp Tôn giả”, vẻ mặt già,bên hữu là tượng “A-Nan-Đà Tôn giả”, vẻ măt trẻ, là hai đại đệ tử của Đức Thích-ca khi Ngài còn ở thế-gian. Tượng hai vị Tôn giả ấy đều tạc đứng, mang hình dáng hai thầy tỳ-kheo.
Tượng Di Lặc
– Phật Di Lặc được diễn tả bằng một pho tượng có thân hình đẫy đà béo tốt, ngực xệ, bụng phệ, miệng cười lạc quan, tư thế một chân co một chân chống.
– Thông thường hai bên tượng Phật Di-Lặc là hai tượng Pháp hoa lâm Bồ tát và Đại diệu tường Bồ tát, nên còn gọi là Di-Lặc tam tôn.
– Khuôn mặt tượng luôn cười hớn hở bắt nguồn từ đại tâm, từ hỉ và xả của Ngài Di Lặc Phật còn được gọi là đấng Từ Tôn, được coi như là một Chúa cứu thế, nên người ta thường cho rằng: “ Di Lặc xuất thế thiên hạ thái bình”- có nghĩa là: Di Lặc xuống đời muôn nơi yên ấm.
Thích Ca sơ sinh
Tượng Cửu Long (Thích-ca sơ sinh) tượng Thích-ca ở tư thế đã bước ra rồi đứng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, có 9 con rồng uốn chầu xung quanh, tượng Cửu Long dựa vào Phật sử nói rằng, khi Thích-ca giáng sinh có 9 con rồng phun nước để tắm cho Ngài. Tắm xong Ngài tự đi 7 bước về phía trước, tay phải Ngài chỉ lên trời, tay trái Ngài chỉ thẳng xuống đất mà nói ngay được rằng “Thiên thượng, Thiên hạ, duy ngã độc tôn” (có nghĩa là trên trời, dưới đất, chỉ có “ta” là tôn quý). Tuy nhiên đây là chi tiết do người đời sau thêm thắt.
– Hai bên tượng Cửu Long là hai tượng Đế Thích và Phạm Vương, chủ thể thế giới, nên tạc theo kiểu nhà vua ngồi trên ngai.Truyền rằng khi đức Thích Ca xuất thế thì hai vị vua trời là Phạm Thiên (Brahma) và Đế Thích (Inđra) đã hết sức vui mừng, nên cho các thiên tướng, các nhạc sĩ thiên thần và các vũ nữ thiên thần tung hoa và hát đầy trời để xung tán. Vì thế bao quanh đức Thích Ca là một bầu trời đầy những nhân vật của thiên quốc.
– Có niên đại từ thế kỷ 16 (ở Chùa Chợ Bần- Hưng Yên).
– Vào thế kỷ 17 chúng ta đã gặp bầu trời này dưới dạng cửu long, có nghĩa là : con số 9 là số nhiều của Trung Hoa và Việt Nam, cửu long có nghĩa là toàn bộ mây trời linh thiêng, tẩy trừ những uế trọc cho đức Phật.
Quan Âm thiên thủ thiên nhãn
– Thiên thủ thiên nhãn là ngàn mắt ngàn tay. Con số ngàn không chỉ có nghỉa đen là đúng một ngàn, mà ám chỉ một số lượng nhiều vô số kể, không đếm được
– Bàn tay tượng trưng cho phổ độ.- Con mắt tượng trưng cho sự xem xét, quán thông, thấu suốt, thấy rõ tường tận tất cả chúng sinh ở các cõi, thấy cả xa lẫn gần, cả to lớn lẫn tế vi, trước mặt và sau lưng, trên và dưới.- Tượng có thể có hình con mắt trong lòng bàn tay.- Tượng thiên thủ thiên nhãn cũng có thể tạc một số cánh tay cầm các tùy vật. Các tùy vật của Quan Âm thương thấy có ở các cánh tay này là cây gậy hành hương, mũi tên, Mặt Trăng, hoa sen xanh, bình nước, ngũ sắc tường vân, kiếm, hoa sen trắng, sọ người, gương soi, chùm nho, cây kích, kinh văn, thủ ấn, đinh ba, tràng hạt, phật, thiên cung, phất trần, thiền trượng, cung tên, hoa sen đỏ, vòng tay…
Hệ thống tượng như trên thường có mặt ở trong hầu hết các chùa có quy mô nhỏ và vừa. Những chùa có quy mô lớn, thường có kiểu mặt bằng nội công ngoại quốc thì được bày thêm các lớp tượng sau:
Tượng Ngọc Hoàng – Nam Tào, Bắc Đẩu
– Ba tượng: Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu đặt ngang ngau, với giữa là Ngọc Hoàng, bên trái của Ngọc Hoàng là Nam tào, bên phải là Bắc Đẩu.
– Bắc Đẩu mặc áo trắng (màu này có thể thay đổi), ngồi quay mặt hướng Nam, dung mạo nghiêm khắc, coi việc Tử ở thế gian.
– Nam Tào mặc áo hồng (màu này có thể thay đổi), coi bộ Sinh, ngồi quay mặt hướng Bắc, dung mạo hiền hòa, coi việc Sinh ở thế gian.
– Giữa là Ngọc Hoàng Thượng Đế/ Ngọc Hoàng Đại Đế/ Ngọc Đế là vị vua tối cao của bầu trời, là chủ của Thiên đình trong quan niệm tại Trung Quốc và tại Việt Nam, cai quản toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả, và cõi âm phủ. Ngọc Hoàng đứng đầu tất cả các thần, tiên, có quyền lực tối cao với các quyền năng tự nhiên như mây mưa sấm chớp, nước lửa…Theo một số phim ảnh tiểu thuyết, Ngọc Đế (Thiên Đế) là người phàm, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm, Thiên Đế cai quản toàn bộ lục giới: Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên. Là người có quyền hạn và tu vi lớn nhất lục giới nên được các chư thần kính mộ phong làm Đế, Thiên đế phân chia pháp lực của mình cho các vị thần cai quản các nơi và các chức vị khác nhau, vì thế trong khá nhiều tiểu thuyết Thiên Đế không có pháp lực mà chỉ nhờ các thần tiên khác, cũng theo nhiều tiểu thuyết vị thầy hướng dẫn có pháp lực cao nhất trong phật giáo là Phật Tổ Như Lai thay vì Ngọc Hoàng Đại Đế (Tây du ký)
Quan âm Tống Tử/ Quan âm Tọa Sơn (góc chính điện)
– Quan Âm Tọa Sơn là hình tượng một bà mẹ Việt Nam bế đứa bé ngồi trên núi, bên phải gần ngang vai có vẹt và bên trái thấp hơn thường đặt lọ nước cam lồ.
– Cũng gọi là Quan Âm Tống Tử, nhằm nói lên đức từ bi của Ngài đối với chúng sinh. Ở đây đứa bé con là hiện thân của chúng sinh đau khổ được Quan Âm cứu vớt.
– Thị giả cho Quan Âm thường có Kim Đồng và Ngọc Nữ là hai chúng sinh cụ thể và điển hình, xin được theo Ngài làm đệ tử.
– Hiện nay chúng ta mới chỉ có gặp tượng Quan Âm Tọa Sơn có niên đại chắc chắn vào khoảng đầu niên đại thế kỷ 17. Với hình tượng như kể trên , người Việt như dân gian hoá dần làm nảy sinh câu chuyện về Thị Kính.
Tiền đường (Nhà Bái đường)
Thông thường nhà Bái đường được xây dựng trước cửa Chính điện nên còn gọi là tiền đường. Các tượng bày ở Tiền đường gồm:
Thập điện Diêm Vương (đặt bên sườn chính điện)
– Với nhiều Chùa lớn đôi khi người ta thay thế bằng Động Thập điện có nhiều nhân vật của thế giới âm ty – bao gồm: Diêm Vương, Phán Quan, Quỷ đầu trâu mặt ngựa, những tội nhân bé nhỏ, hệ thống tra khảo… cùng nhiều nhân vật và sinh vật khác.
– Thường chỉ xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 và 20.

– Tượng phục trang theo lối nhà vua,với mũ bình thiên, áo long bào, bao gồm: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Thái Sơn Vương, Biến Thành Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương và Chuyển Luân Vương.
– Chức năng của các vị này là xét công tội khi sinh thời của các kiếp đời đã qua để thưởng phạt theo luật luân hồi. Nhưng tích cực hơn là nhằm giáo dục con người tránh ác hành thiện. Thực ra tượng này chỉ được đặt vào trong Chùa khi xã hội đầy nhiễu nhương và tiêu cực, một chứng tích tố cáo sự xuống cấp của xã hội dưới thời Nguyễn và thời thuộc Pháp.
– Ở bên ngoài thuộc hàng Diêm Vương là hình tượng của một ông già râu trắng, mày trắng, phục trang quan lại, đó là vị Thổ Địa cai quản đất đai của chính khu vực Chùa
Tượng Tứ Thiên Vương
Ở ngoài tượng Cửu Long để bốn pho tượng “Tứ Thiên Vương” mặc Vương phục, bày làm hai dãy đối nhau, tức là bốn vị hộ thế gian.

Tượng tứ Bồ-tát
Có chùa bỏ tượng Tứ Thiên Vương mà bày tượng bốn vị Bồ-tát, tạc hình Thiên thần gọi là “Ái Bồ-tát” tay cầm cái tên; “Sách Bồ-tát” tay cầm cái cây; “Ngũ Bồ-tát” tay cầm cái lưỡi; “Quyền Bồ-tát” tay nắm lại và để vào ngực.
Tượng Kim Cương bát bộ
– Gồm tám vị thần Hộ pháp trong Phật giáo đại thừa, thường bố trí gần bàn thờ Phật, có trách nhiệm bảo vệ Phật.
– Theo kinh Phóng Quang Bát Nhã (Pancavimsatisahasrika Prajnaparamita) và kinh Đạo Hạnh Bát Nhã (Astasahasrika Prajnaparamita); bất cứ ai tu thiền thành Bồ-tát trên đường thành Phật sẽ được thần Kim Cương gìn giữ bảo vệ, không bị phá hoại hoặc nhũng nhiễu dù là người hay ma.
1) Thanh Trừ Tài Kim Cương
2) Tích Độc Thần Kim Cương
3) Hoàng Tuỳ Cầu Kim Cương
4) Bạch Tĩnh Thủy Kim Cương
5) Xích Thanh Hoả Kim Cương
6) Định Trừ Tai Kim Cương
7) Tử Hiền Kim Cương
8) Đại Thần Lực Kim Cương.
Tuy là tám vị nhưng cả tám được gom lại thành một đoàn thống nhất, chia ra thành hai hàng, mỗi hàng bốn vị, chứ không tách ra thờ riêng.
Ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ với dữ tợn, để kết hợp hai chức năng “khuyến thiện” và “trừng ác” của thần linh.
Trang phục như võ tướng, thân mặc giáp, tay cầm khí giới như sẵn sàng xung chiến. Các ngài thường đi “vân xảo”; mặc áo giáp nhẫn nhục, nhằm chống dục vọng (tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ) nhờ đó mà giữ được tâm trong sáng và cương quyết như kim cương nên gọi tượng Kim Cương, với chức năng bảo hộ Phật pháp nên cũng gọi là tượng Hộ Pháp.
Tuy nhiên, cách bố trí các tượng thờ không phải nhất nhất theo đúng bố cục trên, thực tế mỗi chùa tuỳ theo hoàn cảnh mà có sự sai khác, đó là chưa nói đến sự khác nhau giữa các miền Bắc-Trung-Nam. Miền bắc thờ thêm nhiều Thánh, hệ thống tượng thờ vì thế trở nên phức tạp; miền Trung nói chung là rất đơn giản và thuần tuý; miền Nam thì có sự gặp gỡ giữa các miền.
Tượng Hộ pháp
– Hai vị hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác: vị thần bảo vệ Phật Pháp.
– Thường được tạc rất to lớn. Trang phục như võ tướng: mình mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, tay cầm khí giới (Pháp giới đao, Pháp giới trùy) để bảo vệ Đạo Pháp, ngồi trên lưng Sân (một loại giống sư tử).
– Khuyến Thiện: mặt trắng, nét mặt thanh thản, đặt ở bên tay trái bàn thờ Phật (từ trong nhìn ra), tay cầm viên ngọc thiện tâm là báu vật của Phật tử, khích lệ mọi người noi theo.
– Trừng Ác: mặt đỏ, đặt bên tay phải bàn thờ Phật; nét mặt phẫn nộ, tay cầm pháp khí để trừng trị và răn đe cái ác.
Tượng hộ pháp chùa Thầy tuong-ho-phap-kim-cuong-13-min
Tượng Thần Thổ Địa – Thánh Tăng
Tượng Đức Ông
Hệ tượng này mới chỉ gặp vào niên đại cuối thế kỷ XIX về sau.
– Thường ngồi buông chân trên bệ, dưới dạng một ông quan văn đội mũ cánh buồm, mặt đỏ, nặng tính tượng trưng.
– Ông Cấp Cô Độc không chỉ được tôn kính vì hành động cúng dường khu vườn quý cho Phật, mà còn vì lòng tốt rất mực, sự mộ đạo rộng lớn và sự bảo hộ chư tăng của ông.
Ông là một trưởng giả giàu có, nhưng dùng tiền bạc của mình để chu cấp cho những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, nên mới mang tên là Cấp Cô Độc, tức là chu cấp cho người cô độc. Với công đức đó của ông, người ta tôn ông là vị thần chủ gìn giữ cho các ngôi chùa.
-Về góc độ thần thông, Ngài là đại hộ pháp của Phật Môn. Ngài hiện ở đời cũng do trách nhiệm này nên Ngài có công năng thấy hết mọi kho tàng, tài bảo trên thế gian, không cầu cũng giàu có, phong túc không ai bằng. Tài bảo đó Ngài dùng cúng dường Tam Bảo, bố thí cho kẻ cùng khốn, nên ở Ngài đầy đủ hạnh Phổ Hiền, đức Từ Bi.
– Xét về góc độ nào thì Đức Ông cũng là nhân vật có công lớn lao với Phật Pháp, ở hàng cư sĩ mà hộ trì chính pháp, đầy đủ hạnh Từ, Bi, Hỉ, Xả, tế độ quần manh. Do đó, ban Đức Ông luôn được đặt bên tay trái của ban Tam Bảo (tay phải là ban Thánh Hiền), chủ ý rằng hoằng pháp là thánh hiền, hộ pháp là hàng cư sĩ tại gia. Khi vào lễ chùa, ta cũng vào từ cửa tay trái, tới ban Đức Ông lễ trước vì Ngài có công xây chùa, tạc tượng.
– Đôi khi ở bàn thờ này có hai tượng phụ tá được làm nhỏ hơn ngồi hai bên, đó là Già Lam và Chân Tể.
Tượng Thánh Tăng/ Thánh Hiền
– Được đặt đối xứng với bàn thờ Đức Ông, ở phía bên phải tòa tiền đường.
– Hình tượng một nhà sư đội mũ tỳ lư thất Phật, thường ngồi thả chân, tay trái cầm chén nước cam lồ hoặc để ngửa trong lòng, tay phải trong tư thế thuyết pháp cứu độ hoặc bắt ấn Vô Úy, ấn Cát Tường
– Về tổng quan, tượng này đại diện cho tất cả các vị Thánh trong Phật giáo đã có công lưu truyền, hoằng bá Phật pháp nói chung. Về cụ thể, thì tượng được coi là tượng thờ riêng Tôn giả A Nan Đà, vì ông là đại đệ tử có công lớn nhất trong việc kết tập kinh sách, nên được coi là vị Thánh Tổ tiếp tục truyền bá phát triển Phật giáo. Do đó nhiều chùa đề tên tượng này là A Nan- Hai bên tượng Thánh hiền có hai thị giả. Nhiều chùa thì hai thị giả này có hình dáng dữ tợn, một bên mặt đen sì hoặc xanh lè gọi là Tiêu Diện Đại sỹ, một bên trắng hơn là Quỷ vương. Tượng Tiêu Diện đại sĩ tượng trưng cho Bồ tát hóa thân xuống địa ngục để cứu độ chúng sinh nơi đó, nhưng để phù hợp với cõi địa ngục nên mặt mũi cũng hung dữ, dù có tâm Phật. Do đi khắp các cõi ngục, nên lửa địa ngục thiêu cháy mặt Bồ tát, mặt trở thành đen hoặc xanh. Quỷ vương sau khi nghe được Phật pháp từ Tiêu Diện cũng phát nguyện hộ pháp cõi địa ngục. Do đó hai tượng này bày ngang với nhau.
Nhà Hành lang
Trong các ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam, nhà hành lang được xây rất linh hoạt: có thể là hai dãy nhà riêng để đi lại chạy song song ở hai bên nhà Chính diện, mà theo đó, đi vào nhà tăng (hậu đường). Tượng bày ở nhà hành lang là 18 vị La Hán (gọi là thập bát Hán). Tượng tạc kích thước bằng người bình thường với các tư thế khác nhau. Vị ngồi trên tảng đá, vị ngồi trên gốc cây, lưng ngựa, lưng tê giác vẻ mặt suy nghĩ trầm mặc. La Hán là vị quả thánh cao nhất của Tiểu thừa nhưng còn phiền não luân hồi sinh tử. Phật giáo Tiểu thừa cho rằng có 16 vị La Hán vâng lệnh của Phật ở mãi trên thế gian để cứu độ chúng sinh, không nhập diệt. Theo sách Phật, chỉ có 16 vị La Hán nhưng trên thực tế người ta tạo thêm hai vị nữa thành Thập bát La Hán.
– Tượng Tổ Truyền Đăng gồm: tổ thứ nhất – Ca Diếp; thứ hai – A Nan Đà; thứ ba – Thương Na Hòa Tu; thứ năm – Đề Đa Ca; thứ bảy – Bà Tu Mật; thứ tám – Phật Đà Nan Đề; thứ chín – Phục Đà Mật Đa. Trên đây là các vị La Hán đã được khẳng định. Thứ mười – Hiếp Tôn Giả; mười hai – Mã Minh; mười ba – Ca Tỳ Ma La; mười bốn – Long Thụ Tôn Giả; mười sáu – La Hầu La Đa; mười bảy – Tăng Già Nan Đề; mười tám – Già Da Đa Sá; hai mươi – Xà Dạ Đa; hai bảy – Bát Nhã Đa La; hai tám – Bồ Đề Đạt Ma. Sở dĩ người ta không lấy liên tục 18 vị đầu tiên vì chưa đủ tư cách đại diện cho tất cả mọi thành phần trong xã hội; đồng thời cũng không nói lên được những bước phát triển chủ yếu của đạo Phật ở Ấn Độ và sự truyền bá sang phương Đông.
Nhà Tăng
Nếu thờ Tổ gọi là Nhà Tổ, dùng trai tăng gọi là Nhà Trai. Nhà Tăng thường được xây dựng sau chính điện nên còn gọi là hậu đường. Trên cao của gian giữa thờ hai tượng Thánh tăng A-nan-đa (có người nói rằng Văn Thù Bồ tát) và sư tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bohhidharma). Thờ ngài A-nan-đa thuộc Tiểu thừa; Ngài Văn Thù Bồ tát thuộc Đại thừa; Ngài Bồ-đề-đạt-ma là tổ sư truyền đạo thiền sang Đông Hoa. Dưới là các vị sư tổ đã tu tại chùa. Các vị sư tổ có thể tạc tượng hoặc không. Ở chùa xây dựng một điện riêng để thờ các vị thần thánh này. Ngoài ra, ở nhà tăng trong một số chùa còn thờ tượng Quan Âm Tổng Tử, Quan Âm toạ sơn …
