Tìm hiểu về tượng Tuyết Sơn trong chùa
Chúng ta đã quen với hình ảnh tượng các Đức Phật trong chùa với vẻ mặt an nhiên, từ bi cùng dung mạo, thân hình đẹp đẽ, chuẩn mực.
Có lẽ hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thờ trong chùa là phong phú nhất. Dựa theo cuộc đời, Ngài được tạc thành 4 loại tượng cho các giai đoạn khác nhau:
Phật Thích Ca Mâu Ni Tượng Tuyết Sơn Thích Ca Đản Sinh Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn
(1) Tượng Thích Ca sơ sinh – hình tượng một cậu bé tay chi thiên tay chỉ địa
(2) Tượng Tuyết Sơn: chỉ giai đoạn tu khổ hạnh trong núi tuyết, thân hình gầy guộc
(3) Tượng Thích Ca thuyết pháp được tạc theo điển Đức Thích Ca đã thành Phật – ngồi trên tòa sen, mặc áo pháp, một vai để trần, hai bàn tay bắt ấn Tam muội, nhục kế trên đỉnh đầu, đôi mắt mở ba phần tư, và mặc cà sa;
(4) Tượng Nhập Niết Bàn: Đức Thích Ca lúc đã vào cõi siêu trần, tư thế nằm nghiêng sườn bên phải, cánh tay chống lên đỡ lấy đầu, mắt lim dim.
Trong 4 loại trên, 3 loại được coi khá phổ biến trong nhiều chùa. Trong bài này chỉ xin nêu những tìm hiểu về tượng Tuyết Sơn – trong hình dạng một người cực kì gầy gò, chỉ còn da bọc xương, ngồi trong một tư thế khắc khổ.
NỘI DUNG
Ý nghĩa Tượng Tuyết Sơn
Tượng Tuyết Sơn minh họa thời kỳ tu khổ hạnh của Đức PhậtThích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật theo quy mẫu nhất định.

Theo Phật giáo, thì khi thái tử Tất Đạt Đa lìa bỏ gia đình đi tìm con đường giải thoát, đã trải qua việc tu học với nhiều vị thầy. Năm 29 tuổi, Ngài tìm lên núi tuyết, tự mình tu tập khổ hạnh sáu năm trời, mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng, khiến cho thân thể suy kiệt. Tu khổ hạnh là một trong các phương thức tu tập của Bàlamôn nhằm đạt chứng ngộ chân lý thượng đế, vươn lên thế giới tinh thần sáng láng. Ngài chấp nhận những cực hình thể xác để đạt giải thoát tinh thần. Trong trạng thái đó, thân thể ngài gầy gò, tiều tụy nhưng không lay chuyển được cái chí kiên cường của ngài. Đến năm thứ bảy thì ngài đắc đạo, từ bỏ khổ hạnh mà đạt đến giác ngộ để thành Phật.
Để truyền đạt cái chí kiên dũng của Ngài, trong nhiều ngôi chùa ở Việt Nam như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian,chùa Mía (Hà Nội), Chùa Keo(Thái Bình), …đều có pho tượng Tuyết Sơn, tức Tượng Thích Ca khổ hạnh, thân thể khắc khổ, chỉ còn da bọc xương.
Vì sao tượng có tên gọi Tuyết Sơn
Dãy núi Himalaya – nơi thái tử Tất Đạt Đa tu khổ hạnh là dãy núi cao nhất hành tinh, có 14 đỉnh núi cao nhất thế giới (trên 8.000 m), trải khắp 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanmar và Afghanistan. Tên gọi Himalaya mang ý nghĩa “nơi ở của tuyết” nên thường được gọi là Tuyết Sơn. Vì thế tượng được mang tên Tuyết Sơn và danh hiệu đó được dùng cho thời kỳ khổ hạnh.
Mô tả chung về tượng Tuyết Sơn
Tượng Tuyết Sơn thường được tạc dưới dạng một người khắc khổ, gầy gò, ngồi trong tư thế tự nhiên thoải mái, đầu hơi nhô về phía trước, chân phải gấp ngang đặt áp sát bệ ngồi, chân trái chống thẳng, tay phải gấp thước thợ, đặt úp bàn tay lên đùi, tay trái hơi gấp, đặt cẳng tay lên đùi. Tượng chỉ khoác hờ mảnh áo trên vai trái, để lộ dường như cả bộ xương với những nếp nhăn, vặn trũng xuống. Đầu tượng là một khối căng tròn, khuôn mặt xương xương, hốc mắt và gò má lõm làm nổi khối đầu, chứa chất một sức sống mạnh mẽ.

Nghệ nhân xưa đã nắm rất vững giải phẫu cơ thể để sắp xếp, cấu tạo chuẩn xác cho tượng. Các nếp quần áo đổ dồn xuống dưới, như tăng vẻ tiều tụy của tượng, nhưng vẫn nhận thấy sự suy tư thanh thản trong ánh mắt xa xăm và toàn thân tĩnh tại, ung dung. Toàn thân tượng được sơn màu nâu đen, lấy bóng tối của khối hình để nổi lên trên toàn cảnh vàng son và khẳng định sự từ tâm nhà Phật, gợi cái chết hình thức để tôn cao cái sống bản thể.
Do khi đó Ngài chưa đắc đạo, chưa phải là Phật nên tượng Tuyết Sơn không ngồi trên tòa sen.
Tượng Tuyết Sơn tại một số chùa
Tượng Tuyết Sơn tại một số chùa được mô tả cụ thể hơn như sau:
– Chùa Keo (Thái Bình): Pho tượng Tuyết Sơn ở đây có tính chất nhân trắc học, đáp ứng được sự tích. Từ xương sườn, xương quai xanh, bánh chè, đầu gối, mỏ ác đều thể hiện tài đức của ông. Môi mỏng thể hiện tài thuyết pháp, mắt thể hiện sự nhìn xa trông rộng và đầu thể hiện tư duy lớn. Pho tượng này có niên đại khoảng 400 năm”.
– Chùa Trăm Gian (Hà Nội): Tượng Tuyết Sơn ở chùa Trăm Gian là một trong những pho tượng Tuyết Sơn đẹp nhất, và cũng là pho tượng đẹp nhất chùa Trăm Gian, thể hiện tài năng điêu khắc của các nghệ sĩ dân gian xưa. Các khớp xương, mạch máu nổi lên dưới da, móng tay dài, xương chân tay hiện rõ. Hốc mắt sâu, má hóp… rất đúng giải phẫu.
– Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh): Pho tượng Tuyết Sơn ở đây cũng là một kiệt tác của thế kỷ 17. Tượng Tuyết Sơn cao toàn bộ 222cm, còn gọi Tây Thiên Đông đô lịch đại tổ, trình bày chân dung Thái tử Tất Đạt Đa khi đi tu ép xác ở núi tuyết, cơ thể, mặt mày rõ ràng đau khổ.
– Chùa Tây Phương (Hà Nội): Pho tượng Tuyết Sơn ở đây là một kiệt tác điêu khắc gỗ. Pho tượng tạc người trong dáng ngồi, đen sẫm, khoác áo cà sa mỏng, mắt trũng sâu, thân hình khô đét, tay chân gầy khẳng khiu có thể nhìn thấy rõ những xương sườn nhô ra nhưng khuôn mặt vẫn toát ra vẻ đăm chiêu suy tưởng.

Vị trí tượng Tuyết Sơn trong chùa
Tượng Tuyết Sơn được thờ trong chùa Việt Nam thường được đặt trong bộ ba gọi là “Tuyết Sơn Tam Thánh” gồm có: Tuyết Sơn với Ca Diếp và A Nan Đà đứng hầu hai bên.

Nguồn: phatgiao.org.vn